Vượt giới hạn

Updated on 10/11/2017 in Văn Hóa
0 on 02/08/2023

Hôm qua, có một anh bạn người Pháp nhận xét với tôi rằng, người Việt Nam rất tài giỏi, nhất là trong ngành nghệ thuật, nhiếp ảnh, thủ công…, thậm chí có năng khiếu vượt trội các đồng nghiệp phương Tây, nhưng vấn đề là, không có ai đặt ra cho chúng ta những thách thức – hay nói đúng hơn là chúng ta không tự đặt ra các thách thức cho chính mình – để có thể vươn tới sự hoàn thiện. Hình như, khi đạt được một mức độ thành công nào đó, chúng ta hay tự thoả mãn, và chấp nhận cái giới hạn phía trước.

Hồi mới mở dịch vụ tổ chức sự kiện, Le Bros may mắn được làm chuỗi hoạt động rất lớn cho Công ty Honda. Các bạn nhân viên của Honda nói rằng, họ được giao nhiệm vụ giám sát và “review” công việc của chúng tôi. Họ làm thế thật, soi từng tí, từng cái ốc vít, từng cái nút buộc. Một số đồng nghiệp của tôi khó chịu ra mặt. Còn tôi bảo: Chúng ta gặp may đấy. Làm việc với công ty Nhật, họ càng khó tính thì chúng ta càng nhanh trưởng thành. Từ đó, cái backdrop trước mặt tôi không bao giờ bị nhăn, một lá cờ treo không bao giờ lệch.

Làm việc với tôi, các bạn nhân viên hiểu rằng, một khoảng cách (space) đúp giữa hai chữ trong văn bản là thừa, và từ sau dính vào dấu chấm, dấu phẩy phía trước nghĩa là thiếu; hai tấm ảnh ngang nhau trên một slide PowerPoint mà không ngay hàng thẳng lối là không chấp nhận được. Có thể, sự cầu toàn này không làm cho văn bản hay bài thuyết trình hay hơn, nhưng đó là thái độ trách nhiệm với mỗi điều mình làm.

Ngày bắt đầu in tạp chí Đẹp, tôi rải báo nằm ngay cạnh máy in, tự tay ký bản, phê duyệt từng trang in. Mỗi đợt chỉnh mực xong, người thợ đưa cho tôi một cái kính lúp bé xíu, soi từng cm2 trên trang báo. Một dấu chấm nghĩa là lô in có sạn, một đường vân mờ nghĩa là dầu in chưa chuẩn, sắc đen chưa thắm long lanh là chưa đủ sắc độ sâu… Dần dà, người thợ in hiểu ý, tự kiểm duyệt đến mức tuyệt đối mới kêu tôi dậy ký bài. Tự anh ấy đẩy mình đến mức hoàn hảo, và đó là lý do tạp chí Đẹp luôn được in đẹp nhất.

Tôi có một đối tác người Hong Kong. Anh ta siêu khó tính. Làm event với anh ta, quân tôi mất ngủ, căng thẳng, bực bội, vì anh ta kỹ từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi tổ chức một sự kiện cho SYM ở nhà thi đấu Phú Thọ, dựng một mô hình toà nhà 3D lên, anh ta ngắm nghía hậu cảnh và nói: “Vinh à, công trình của chúng ta rất đẹp, nhưng mấy toà nhà đang thi công phía xa kia làm xấu hết cả. Chúng ta nên dựng một tấm vách che nó đi.” Nói là làm, cái vách ấy không nằm trong scope of work mà chúng tôi cam kết với khách hàng. Ở giữa sân là một cái mô hình tháp Big Ben cao 8 mét, dưới chân không có gì cả. Nhưng anh ta cho rằng, để cái tháp trơ trọi vậy rất xấu, ta nên thuê hoa phủ kín chân tháp cho đẹp. Và chúng tôi tốn thêm mớ tiền, làm cái điều dĩ nhiên không có trong thoả thuận với khách hàng. Dĩ nhiên, chúng tôi thoả mãn với sự hoàn hảo, cho dù chưa chắc khách hàng đã nhận ra điều đó.

Vốn dĩ chúng ta rất dễ thoả hiệp với chất lượng mình có. Nhiều người thường phẩy tay, “ở Việt Nam ấy mà”… và coi sự chưa hoàn hảo như một lẽ thường tình. Như thế, chúng ta đã bỏ mất cái cơ hội thách thức chính mình vượt qua cái giới hạn tự mình đặt ra đó.

Tác giả: Anh Lê Quốc Vinh

  • Liked by
Reply