Top 10 Phim điện ảnh Việt Nam hay nhất mọi thời đại

Ván Bài Lật Ngửa

Ván Bài Lật Ngửa là bộ phim điện ảnh nhiều phần, sản xuất từ năm 1982 đến năm 1987. Bộ phim mô phỏng cuộc đấu trí của những gián điệp của Đảng Lao Động Việt Nam với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và các quan chức, cố vấn của Mỹ tại Sài Gòn giai đoạn chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Với nhiều thế hệ khán giả, Ván Bài Lật Ngửa được xem là series phim điện ảnh kinh điển. Tên của các phim trong series lần lượt là:

  1. Đứa con nuôi vị giám mục (1982)
  2. Quân cờ di động (1983)
  3. Phát súng trên cao nguyên (1983)
  4. Cơn hồng thủy và bản tango số 3 (1984)
  5. Trời xanh qua kẽ lá (1985)
  6. Lời cảnh cáo cuối cùng (1986)
  7. Cao áp và nước lũ (1987)
  8. Vòng hoa trước mộ (1987)
  • Năm sản xuất: 1982-1987
  • Giai đoạn: Điện ảnh thời kỳ bao cấp và điện ảnh thời kỳ đổi mới
  • Đạo diễn: Lê Hoàng Hoa
  • Diễn viên: Nguyễn Chánh Tín, Thùy An, Thanh Lan, Lâm Bình Chi
  • Giải thưởng: LHP Việt Nam

Bao Giờ Cho Đến Tháng 10

Bao Giờ Cho Đến Tháng 10 là một trong những phim nổi bật nhất của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim kể về cuộc đời của người góa phụ mà chồng chị đã hy sinh ở chiến trường Tây Nam Bộ. Chị đã giấu chuyện chồng hy sinh với mọi người trong gia đình bởi người bố chồng già yếu, bệnh nặng. Tuy nhiên, đến khi cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, người bố chồng đã bảo chị gọi điện cho con trai về lần cuối, lúc này tin chồng mất đã không thể giấu được nữa.

Bộ phim có chi tiết thú vị là bài thơ viết trên cánh diều:

Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát hi sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu.

Bộ phim Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười được đài truyền hình CNN bầu chọn là một trong 18 phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

  • Năm sản xuất: 1984
  • Giai đoạn: Điện ảnh thời kỳ bao cấp
  • Đạo diễn: Đặng Nhật Minh
  • Diễn viên: Lê Vân, Nguyễn Hữu Mười, Đặng Lưu Việt Bảo
  • Giải thưởng: LHP Việt Nam, LHP Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương

Đêm Hội Long Trì

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng, bộ phim Đêm Hội Long Trì lấy bối cảnh thời Lê trung hưng: Chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài. Trong đêm hội ở Long Trì, ái nữ của Chúa Trịnh Sâm có cảm tình với chàng văn nhân tài hoa nhưng không thể đến được với nhau bởi nàng đã lọt vào ánh mắt tà dâm của một kẻ có thế lực, được tuyên phi của Chúa Trịnh hậu thuẫn, gọi là Cậu Giời. Bộ phim không chỉ lên án xã hội mục nát thời ấy mà còn là cuộc đấu tranh của người dân với thế lực quyền uy, quý tộc đầy quyền thế trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Ra đời trong thời kỳ mở cửa, bộ phim quy tụ dàn diễn viên xuất sắc nhất ba thập kỷ cuối thế kỷ XX, bộ phim Đêm Hội Long Trì được xem như là phim cổ trang, dã sử hay nhất của điện ảnh Việt Nam.

  • Năm sản xuất: 1989
  • Giai đoạn: Điện ảnh thời kỳ đổi mới
  • Đạo diễn: Hải Ninh, Hà Thanh Vân, Trần Quốc Huân
  • Diễn viên: Thế Anh, Lê Vân, Hoàng Thắng, Thu Hà
  • Giải thưởng: Không rõ

Mùa Len Trâu

Mùa Len Trâu là một bộ phim chuyển thể dựa theo truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. “Len” trong tiếng dân tộc Khmer nghĩa là “đi tự do”, “len trâu” là cho trâu đi tự do. Đối với người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi khi mùa mưa về, nước ngập khắp mọi nơi là phải lùa trâu đi tự do lên vùng cao, tìm cỏ sống qua mùa lũ. Và những người làm nghề “len trâu” thường chính là lũ trẻ, chúng không được học hành, phải sống lang thang lam lũ cùng bầy trâu. Bộ phim xoay quanh những đứa trẻ “len trâu” như thế.

Mùa Len Trâu cũng được Cục điện ảnh gửi làm đại diện điện ảnh Việt Nam tại Lễ trao giải Oscar nhưng không thể lọt vào vòng cuối cùng.

  • Năm sản xuất: 2003
  • Giai đoạn: Điện ảnh đương đại
  • Đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh
  • Diễn viên: Lê Thế Lữ, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Thị Kiều Trinh
  • Giải thưởng: Cánh diều Vàng, LHP Locarno – Thụy Sĩ, LHP Chicago – Mỹ, LHP Amiens – Pháp

Áo Lụa Hà Đông

Áo Lụa Hà Đông là bộ phim điện ảnh hiện đại do Lưu Huỳnh đạo diễn nhưng lại lấy bối cảnh thời chiến tranh, và đặc biệt là sử dụng chất liệu phim nhựa thay vì kỹ thuật số hiện đại. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của gia đình anh Gù nghèo khổ, vốn là tôi tớ của một nhà địa chủ ngoài Bắc, chuyển vào Hội An sống trong thời Pháp thuộc. Toàn bộ hành trang của Dần – vợ anh Gù, chỉ là một chiếc áo lụa Hà Đông, cũng là của hồi môn mà mẹ cô để lại: “Mẹ tôi bảo áo dài là biểu tượng của sự chịu đựng vô bờ bến. Của những tấm lòng rộng lượng của người phụ nữ Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, dù cho chiến tranh bom đạn, có tàn phá thế nào đi nữa. Áo dài phụ nữ Việt nam vẫn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp của nó, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, không phải là làn da trắng hay má đỏ môi hồng mà phải nhìn qua những tà áo dài thướt tha, dịu dàng thể hiện lên một tâm hồn trong sạch và tính nết đoan trang của nó.”

Dù không nhận được nhiều giải thưởng châu Âu như Mùi Đu Đủ Xanh hay giải thưởng điện ảnh Nga như những phim sản xuất từ thế kỷ trước, Áo Lụa Hà Đông lại giành được rất nhiều sự yêu mến của khán giả. Các giải thưởng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc mà phim chiến thắng đều ở hạng mục khán giả bình chọn. Năm 2008, phim cũng được Cục điện ảnh gửi làm đại diện phim Việt Nam tại Lễ trao giải Oscar nhưng không thể lọt vào vòng cuối cùng.

  • Năm sản xuất: 2006
  • Giai đoạn: Điện ảnh đương đại
  • Đạo diễn: Lưu Huỳnh
  • Diễn viên: Quốc Khánh, Trương Ngọc Ánh
  • Giải thưởng: Cánh diều Vàng, LHP Busan, LHP Fukuoka, LHP Kim Kê – Trung Quốc

Mùa Đu Đủ Xanh

Dù không phải một bộ phim chính thức do điện ảnh Việt Nam sản xuất mà là một bộ phim hải ngoại quay tại Pháp, Mùa Đu Đủ Xanh vẫn được xem như là bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam. Được thực hiện bởi đạo diễn người Pháp gốc Việt: Trần Anh Hùng, Mùi Đu Đủ Xanh kể về cuộc sống của một cô bé tên là Mùi, vốn là người ở cho một gia đình buôn vải ở Sài Gòn và sau này khi lớn lên trở thành vợ của một người bạn của cậu chủ. Thông qua các nhân vật mà Mùi làm trung tâm, bộ phim nói lên thân phận của người phụ nữ ở xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Dù bối cảnh phim là Sài Gòn những năm 50, toàn bộ bộ phim được quay trong trường quay tại Paris, Pháp. Đây là một bộ phim được phân loại vào phim Việt Nam hải ngoại bởi dù vốn đầu tư, nhà sản xuất, các vị trí kỹ thuật, đơn vị phát hành là của Pháp nhưng đạo diễn và toàn bộ ekip diễn viên đều là người Việt.

Bộ phim Mùi Đu Đủ Xanh đã chiến thắng hạng mục Camera vàng tại Lễ trao giải Cannes, được đề cử hạng mục cao quý nhất Cannes là Cành cọ vàng. Đây cũng là bộ phim đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được lọt vào vòng cuối cùng đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar. Chính vì thế, Mùa Đu Đủ Xanh xứng đáng đứng đầu trong Top 10 phim điện ảnh Việt Nam hay nhất mọi thời đại.

  • Năm sản xuất: 1993
  • Giai đoạn: Điện ảnh hải ngoại
  • Đạo diễn: Trần Anh Hùng
  • Diễn viên: Trần Nữ Yên Khê, Lư Mẫn San, Trương Thị Lộc
  • Giải thưởng: Đề cử Oscar (phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), Cannes (camera vàng), đề cử Cannes (cành cọ vàng)


Làng Vũ Đại Ngày Ấy

Làng Vũ Đại Ngày Ấy là bộ phim nổi tiếng của NSND Phạm Văn Khoa, lấy cảm hứng từ ba tác phẩm văn học hiện thực xã hội của nhà văn Nam Cao là Sống Mòn, Chí Phèo và Lão Hạc. Bộ phim đã tạo nên bức tranh tổng thể về đời sống của nhân dân trong xã hội Việt Nam giai đoạn 1945. Hình ảnh những nhân vật Chí Phèo, Lão Hạc, Thị Nở trong phim đã trở thành kinh điển cho tới tận ngày nay.

  • Năm sản xuất: 1982
  • Giai đoạn: Điện ảnh thời kỳ bao cấp
  • Đạo diễn: NSND Phạm Văn Khoa
  • Diễn viên: Nhà văn Kim Lân, Hữu Mười, Bùi Cường, Đức Lưu
  • Giải thưởng: LHP Việt Nam

Cánh Đồng Hoang

Chắc hẳn Cánh Đồng Hoang là cái tên vô cùng quen thuộc đối với khán giả Việt Nam. Bộ phim được sản xuất vào thời kỳ bao cấp, với chủ đề chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Bối cảnh phim diễn ra tại một cánh đồng hoang rộng lớn ở Đồng Tháp Mười, một gia đình du kích sống tại nơi này có nhiệm vũ giữ đường dây liên lạc với quân đội Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bộ phim được sản xuất vào thời bao cấp nhưng đã thoát ra khỏi khuôn khổ phim tuyên truyền, khắc họa rõ nét về cuộc sống người du kích miền Nam trong chiến tranh, cũng như có chi tiết đáng chú ý là bức ảnh vợ con tên lính Mỹ rơi ra từ túi áo khi tên này bị bắn chết, cho thấy lính Mỹ hay du kích Việt Nam cũng chỉ là những nạn nhân của chiến tranh.

Bộ phim Cánh Đồng Hoang ra đời khi giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh Việt Nam là Cánh Diều Vàng chưa ra đời (năm 2002 giải thưởng này mới ra đời) nên nhận được giải thưởng tiền thân là LHP Việt Nam. Đây được coi là phim Việt Nam hay nhất về chủ đề chiến tranh

  • Năm sản xuất: 1979
  • Giai đoạn: Điện ảnh thời kỳ bao cấp
  • Đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến
  • Diễn viên: Lâm Tới, Thúy An
  • Giải thưởng: LHP Việt Nam, LHP Moskva

Em Bé Hà Nội

Em Bé Hà Nội là bộ phim tiêu biểu của đạo diễn Hải Ninh. Phim có nội dung xoay quanh một em bé 12 tuổi ở Hà Nội, gia đình đã chết hết trong đợt dội bom B52 của quân Mỹ vào năm 1972. Em bé phải sinh tồn trong sự hoang tàn của thành phố và phải đi tìm kiếm đứa em chưa rõ tung tích sau trận dội bom kinh hoàng.

  • Năm sản xuất: 1974
  • Giai đoạn: Điện ảnh miền Bắc thời kháng chiến chống Mỹ
  • Đạo diễn: Hải Ninh
  • Diễn viên: Trà Giang, Thế Anh, Lan Hương
  • Giải thưởng: LHP Việt Nam

Xích Lô

Xích Lô là một bộ phim nổi tiếng khác của đạo diễn người Pháp gốc Việt: Trần Anh Hùng. Nhân vật chính của phim là một thanh niên mồ côi cha mẹ, chất phác, làm nghề lái xích lô ở Sài Gòn. Tuy nhiên một ngày nọ, chiếc xích lô đi mượn đã bị một tên cướp lấy mất, không còn phương tiện mưu sinh mà lại rơi vào cảnh nợ nần, chàng thanh niên phải làm việc cho một băng đảng xã hội đen. Một thời gian dài sau, anh ta trở về với cuộc sống của người lái xích lô sau những biến cố lớn lao trong băng đảng. Bộ phim kết thúc với câu nói về một con mèo: “nó còn đẹp hơn trước lúc nó đi lạc” cùng bản hợp tấu “Rửa mặt như mèo” của một lớp tiểu học.

Bộ phim có sự tham gia của diễn viên nổi tiếng Hong Kong là Lương Triều Vỹ, giành chiến thắng tại LHP Venice nhưng bị cấm chiếu ở Việt Nam do có nhiều cảnh bạo lực.

  • Năm sản xuất: 1995
  • Giai đoạn: Điện ảnh hải ngoại
  • Đạo diễn: Trần Anh Hùng
  • Diễn viên: Lê Văn Lộc, Trần Nữ Yên Khê, Lương Triều Vỹ (diễn viên Hong Kong)
  • Giải thưởng: LHP Venice (giải Sư Tử Vàng)
Rate this post

Be the first to post a comment.

Add a comment