Top 10 Phim ngắn về Tết hay và ý nghĩa nhất

Về Nhà Trên Hết

“Về Nhà Trên Hết” xoay quanh câu chuyện của cậu con trai đi làm xa quê, dự định không về nhà ngày Tết vì công việc bận rộn. Tuy nhiên sau khi gọi điện cho mẹ, cậu con trai quyết định về quê ăn Tết. Chàng trai nhận ra rằng, không nơi nào yên ổn bằng lòng mẹ, không gì quan trọng hơn gia đình. Vì vậy nên dù thế nào anh cũng cố gắng để về nhà, về với người mẹ thân yêu. Cuộc sống với những guồng quay mưu sinh, bộn bề vất vả cuốn ta đi mà đôi khi quên mất những giá trị ý nghĩa, những người thân yêu ở xung quanh. Đoạn phim “Về Nhà Trên Hết” tuy ngắn và giản dị nhưng lại khiến chúng ta suy ngẫm rất nhiều về bản thân, về gia đình.

Xuân Không Về

Tiếp tục nói về nỗi niềm của những cô gái lấy chồng xa mà không được về nhà ngoại ăn Tết, “Xuân Không Về” mở đầu bằng một cuộc khảo sát xem những người đàn ông nghĩ vợ họ muốn gì khi Tết về. Họ đều nghĩ rằng vợ muốn sắm quần áo, đi làm đẹp, đi du lịch, đi phượt, đi chùa cầu may. Thế nhưng họ đâu biết rằng mong muốn lớn nhất của người phụ nữ khi lập gia đình chỉ đơn giản là được về quê ngoại đón Tết với ba mẹ. Chỉ vài phút, đoạn phim nói lên được nỗi mong ước được sum vầy bên cha mẹ vào mỗi dịp Tết của người phụ nữ, bên cạnh đó còn là sự hy sinh, lo lắng cho chồng con tới mức quên đi bản thân mình vì “khi lập gia đình, họ không chỉ sống cho riêng họ nữa”. Qua đây, phim cũng muốn nhắn gửi tới những người chồng hãy quan tâm hơn, chia sẻ, cảm thông hơn với vợ để nhận ra một điều rằng hạnh phúc đôi khi chỉ giản dị là những phút giây bên nhau mà thôi.

Mẹ Chỉ Mong Tết Về

Câu chuyện là chàng trai thợ làm gốm lành nghề với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt trên bàn xoay đất sét đồng thời cũng là những vòng xoay đưa anh về với tuổi thơ. Nhân vật của Hà Anh Tuấn trong phim vẫn thường theo mẹ ra chợ mỗi dịp Tết về, hình ảnh người mẹ hạnh phúc nhìn ngắm bộ bát đĩa mới, gìn giữ nâng niu từng ngày. Vậy mà chỉ với phút nghịch ngợm, cậu bé đã làm đổ vỡ mâm cơm Tết với bộ chén bát mà mẹ vô cùng yêu quý. Khi trưởng thành, cậu đã tự tay nặn lại bộ chén bát để tặng mẹ. Cảm xúc dâng cao khi anh cất tiếng: “Mẹ ơi, con về rồi” ngay khi bước vào cửa nhà nhưng nụ cười, vòng tay ấm áp và giọng nói dịu êm của mẹ năm nào giờ chỉ còn là ký ức. Một câu chuyện giản dị, cảm động về sự trân quý tình cảm gia đình, sự tảo tần và hy sinh của người mẹ. Phim truyền tải thông điệp ý nghĩa: “Tết này hãy quay về nhà cùng gia đình, về bên mẹ”

Tết Như Vậy Chưa Đủ Đẹp Sao Má?

Chúng ta luôn mong muốn những thứ quanh mình phải thật tốt và chu toàn, bà mẹ trong phim cũng vậy. Bà luôn muốn mọi thứ phải thật sạch đẹp, Tết phải thật hoàn hảo thì mới may mắn, sung túc nên đều tự làm mọi việc. Sau khi đọc được dòng tâm sự của con gái, bà đã hiểu rằng ngày Tết chỉ cần cả nhà quây quần lại, chia sẻ với nhau mọi thứ, vậy là hạnh phúc rồi.

Mẹ là vậy, luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho gia đình. Chúng ta hãy cùng chia sẻ gánh nặng đó với mẹ, cùng nhau dọn dẹp, sắm sửa ngày Tết và khi đó mọi rắc rối sẽ chỉ là chuyện nhỏ. Không nghẹn ngào trong nước mắt mà ngập tràn trong tiếng cười, “Tết Như Vậy Chưa Đủ Đẹp Sao Má?” mang tới cho người xem giây phút thư giãn và cũng nhắn nhủ tới mọi người rằng đừng vì một cái Tết hoàn hảo mà đánh mất những giây phút vui vẻ, trọn vẹn của ngày Tết bên gia đình. 

Góp Tình Trao Tết

Mang nội dung hoàn toàn khác với những phim ngắn còn lại, “Góp Tình Trao Tết” lại hướng đến tình cảm thầy trò. Phim lấy bối cảnh chuyến xe về quê ăn Tết, câu chuyện cảm động về cậu học trò bị khuyết tật ở chân của một cô giáo đã khiến tất cả mọi hành khách lắng đọng. Giây phút tất cả hòa giọng trong ca khúc quen thuộc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – “Để gió cuốn đi” khiến người xem không thể không xúc động. Cùng với đó là hành động trao, nhận những món quà tuy nhỏ nhưng chan chứa tình người: Nhành mai, hũ kiệu, vòng hoa, bánh tét và đặc biệt là những chiếc máy bay giấy hình trái tim. Đoạn phim ngắn dài gần tám phút đã khơi dậy tình yêu thương giữa con người với nhau, góp cho nhau một cái Tết đủ đầy, vẹn nguyên.

Đón Tết Cùng Nhau

Bộ phim ngắn nói về nỗi lòng của mẹ chồng khi thấy cô con dâu phải vất vả lo bếp núc còn con trai và mọi người ngồi phòng khách nói chuyện và nhâm nhi cà phê. Với bà, một cái Tết chỉ trọn vẹn khi tất cả các thành viên trong gia đình cùng nhau tạo ra và tận hưởng không khí Tết. Cuối cùng thì điều bà mong muốn dù có hơi muộn nhưng cũng đã trở thành hiện thực. Người chồng trong một thoáng nhìn vào bếp thấy vợ đang tất bật nấu nướng, anh đã kịp nhận ra mình phải làm gì đó để san bớt gánh nặng ấy. Phim ngắn “Đón tết Cùng Nhau” đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: Những hành động thay đổi dù rất nhỏ nhưng xuất phát từ sự quan tâm cũng có thể làm nên những thay đổi lớn, góp phần tạo nên hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

Xuân Không Màu

“Xuân Không Màu” kể về cô gái đi lấy chồng xa, dịp Tết đến bên nội mọi người quây quần bên ngâm cơm, bàn về những kế hoạch đi chơi, đi thăm họ hàng khiến cô gái thêm buồn khi không thể về thăm cha mẹ. Cảm xúc được đẩy lên cao khi những ký ức xưa cũ hiện ra, cuộc điện thoại với mẹ và cuối cùng là khung cảnh cô gái trở về nhà, sà vào vòng tay cha mẹ khiến người xem ai cũng phải bật khóc, đặc biệt là những cô con dâu. Không cần dài dòng, “Xuân Không Màu” giản dị như chính cái tên của nó, chỉ vỏn vẹn sáu phút nhưng lại mang thông điệp ý nghĩa. Đoạn phim như nói hộ lòng của những người phụ nữ mong ngóng được một lần về ăn Tết nhà ngoại, được mẹ ôm ấp như đứa trẻ thơ và kể cho cha mẹ nghe về những điều đã trải qua trong suốt một năm.

Tết Còn Có Thể Vui Hơn Nữa

Mở đầu bằng câu chuyện một bé gái mong muốn được chơi cùng mẹ vào những ngày Tết, em háo hức đón kỳ nghỉ lễ với quần áo mới, đồ ăn ngon và được nhận lì xì nhưng mẹ em lại phải tất bật nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Hình ảnh người phụ nữ lo toan, sắm sửa cho gia đình ngày Tết và họ dường như không đủ thời gian tận hưởng một mùa Tết ý nghĩa thật sự bên chồng con. Chỉ với một chút thay đổi nhỏ trong suy nghĩ, người chồng đã giúp gánh nặng ngày Tết của vợ nhẹ đi phần nào. Thời lượng vỏn vẹn bốn phút nhưng đoạn phim đã nhắn nhủ tới những người đàn ông trong gia đình rằng hãy để ý và nhận ra những hy sinh âm thầm của người phụ nữ. Dù là một cử chỉ, một hành động thay đổi nhỏ nhưng cũng góp phần làm nên những phút giây ý nghĩa bên nhau.

Tin Nhắn Của Cha

Câu chuyện về một gia đình chỉ có cha và con gái, đứa con đôi lúc bận rộn đến mức không thể ở bên bố những dịp cận Tết nên đã tặng ông chiếc điện thoại để liên lạc. Những ngày sau đó, cô con gái luôn nhận được những dòng tin không lời từ bố nhưng cô biết phía sau đó là cả một bầu trời yêu thương mà bố dành cô mình. Nhưng dần dần cô thấy phiền vì những tin nhắn ấy nên đã nói những lời không hay với bố, tuy vậy nhưng bố cũng không oán trách con gái mà còn cố gắng rất nhiều để học cách nhắn tin gửi cho con lời chúc mừng sinh nhật. Vậy đấy, dù không thể hiện ra nhưng bố luôn là người âm thầm lặng lẽ quan tâm tới con cái, yêu thương con theo cách của riêng mình. Đoạn phim ngắn ngủi chứa đựng rất nhiều tình cảm, gửi gắm thông điệp ý nghĩa về tình cha con.

Vị Của Tình Thân

Kể về chàng du học sinh Khánh thích đi khắp nơi khám phá mọi thứ mà quên đi những giá trị quý giá của ngày Tết. Sau khi về nước, cậu quyết định không ăn Tết cùng với gia đình mà sẽ du lịch cùng bạn bè nhưng anh chàng đã thay đổi suy nghĩ sau khi gặp cô sinh viên Tâm và theo cô về Bạc Liêu đón Tết cùng gia đình. Ở đó Khánh đã nhận ra nhiều điều về những giá trị đáng quý của tình cảm gia đình và quyết định về nhà đón Tết với bố mẹ. “Vị Của Tình Thân” nhắn gửi tới mọi người rằng hãy trân trọng những tình cảm thiêng liêng của gia đình, không cần cao sang, chỉ đơn giản cả nhà cùng ngồi bên nồi bánh, mâm cơm ngày Tết cũng đủ hạnh phúc và ấm áp lắm rồi.

Rate this post

Be the first to post a comment.

Add a comment