Top 7 Sự thật về xã hội Nhật Bản trong phim hoạt hình Zankyou no Terror

Tham vọng canh tân sau chiến tranh

Nhật Bản là đất nước của sự đoàn kết và niềm tự trọng. Thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại trong lòng đất nước này một nỗi đau không thể hàn gắn. Chính phủ tìm mọi cách để khôi phục đất nước từ đống đổ nát, và trên thực tế thì họ đã thành công. Nhật Bản đứng lên từ đống tro tàn với sự phát triển thần kì, trở thành cường quốc trên bàn cờ thế giới. Trong Zankyou no Terror, điều này được thể hiện trong hình tượng Cơ sở – một khu vực thí nghiệm thuốc trên trẻ em nhằm tạo ra những cá nhân xuất chúng phục vụ cho công cuộc ấy. Nine và Twelve là những thí nghiệm sống sót duy nhất vì đã bỏ trốn khỏi Cơ sở, họ sở hữu một trí tuệ siêu đẳng nhưng phải đổi lại bằng một tuổi thọ chỉ kéo dài 20 năm.

Chính trường khắc nghiệt và đầy ràng buộc

Đây là một quyết định dũng cảm của nhà sản xuất khi dám đưa những vấn đề đối nội và đối ngoại của Nhật Bản vào trong một bộ phim hoạt hình. Về đối nội, chính phủ Nhật Bản cũng vướng phải những vấn đề giống như các quốc gia khác, như sự sắp đặt chức quyền hay những điểm mờ ám trong nội các. Về đối ngoại, việc thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa Nhật Bản vào mối quan hệ ràng buộc vĩnh viễn với Mỹ. Cái chết của Sphinx vào cuối phim cũng nhằm lên án những điểm bất cập trong mối quan hệ khập khiễng về quyền lợi ngoại giao này.

Cảm xúc và bản năng con người bị giam cầm

Để hiểu rõ được điều này, chúng ta cần đào sâu vào hình tượng nhân vật Twelve – thành viên của nhóm Sphinx. Cậu được xây dựng với hình ảnh một chàng trai ấm áp, khuôn mặt tươi trẻ và nụ cười tỏa nắng. Xét trên quá khứ đau buồn về Cơ sở, đáng ra tính cách của cậu phải giống Nine – lạnh lùng, tàn nhẫn và chung thủy với khao khát trả thù. Nhưng Twelve là một tên khủng bố đậm chất con người. Miệng có thể nói ra những lời cay nghiệt, nhưng thực tâm cậu luôn hướng về Lisa; trong những giây phút cao trào nhất của phim, cậu đã phản bội Nine và đi cứu Lisa, mặc dù biết đó là một cái bẫy. Cho dù thế nào, cậu vẫn chỉ là một cậu thiến niên với tất cả những tâm tư của tuổi mới lớn, cũng biết yêu, biết rung động, biết thế nào là lương tâm giằng xé. Nhưng tất cả những điều đó có được chấp nhận không? Vai trò của cậu trong cuộc chơi này là một tay khủng bố chứ không phải một kẻ si tình. Đã có một thời gian Twelve nhận được sự bất tán thành từ độc giả, nhưng với cá nhân mình, đó là con người có tính người nhất trong phim và cần được trân trọng.

Sự bùng nổ của năng lượng hạt nhân

Nhật Bản là đất nước bị phá hủy bởi vũ khí hạt nhân, và dư âm của sự kiện này vẫn còn thấm nhuần vào từng nhân vật trong Zankyou no Terror. Thanh tra Shibazaki được sinh ra từ thế hệ gánh chịu trực tiếp thảm họa Hiroshima và Nagasaki. Vũ khí đầu tiên và cuối cùng Sphinx sử dụng để đe dọa nhân loại là quả bom hạt nhân được chính phủ bí mật chế tạo. Bên cạnh đó, chi tiết quả bom bị phá hủy bên ngoài Trái Đất và không gây bất cứ ảnh hưởng phóng xạ nào đến thành phố được bản thân mình đánh giá rất cao. Thông điệp ẩn chứa bên trong khá rõ ràng: Năng lượng hạt nhân nên được sử dụng vào những mục đích hòa bình.

Tệ nạn bạo lực học đường

Đây là tình trạng xuất hiện phổ biến trong các trường học của Nhật Bản. Đối tượng của những vụ bắt nạt thường là những em học sinh hiền lành, nhút nhát, khó giao tiếp với cộng đồng hoặc đơn giản sự tồn tại ấy làm chướng tai gai mắt những học sinh cá biệt. Cô gái Lisa trong Zankyou no Terror cũng là một nạn nhân của tệ nạn bạo lực học đường. Cô liên tục bị họ đùa cợt và chế nhạo, bị ném đồ đạc xuống hồ bơi và phải ăn trưa trong nhà vệ sinh công cộng để trốn tránh những kẻ bắt nạt.

Giới trẻ và những tương lai không lối thoát

Lisa đã từng có ý định tự tử. Cô mệt mỏi với cuộc sống học đường, mệt mỏi với người mẹ có tâm lí không bình thường, mệt mỏi với chính mình và cả thế giới. Và số phận đã đưa cô vào bên trong vụ khủng bố đầu tiên của Sphinx, buộc cô trở thành một kẻ đồng lõa hoặc chết. Lisa đã chấp nhận, cho dù đó là những lựa chọn không dễ dàng và mang tính ép buộc cao. Chi tiết đã thể hiện cuộc sống bế tắc của một bộ phận giới trẻ Nhật Bản khi phải đáp ứng nhiều nguồn kì vọng và không được lựa chọn con đường cho riêng mình. Điều này cũng được chứng minh bởi tình trạng thanh niên nổi loạn đang có dấu hiệu tăng mạnh trong xã hội của đất nước Phù Tang.

Chủ nghĩa khủng bố

Bước sang thế kỉ mới, thế giới phải đối đầu với chủ nghĩa khủng bố – một vấn đề phức tạp và khó giải quyết, hậu quả của những cuộc xung đột tư tưởng, sắc tộc và tôn giáo. Zankyou no Terror đã nói lên một tương lai Nhật Bản có thể trở thành, khi chủ nghĩa khủng bố chuyển hướng từ Tây bán cầu sang Đông bán cầu, với những nguy hiểm rình rập và ảnh hưởng đến tính mạng của dân chúng.

Rate this post

Be the first to post a comment.

Add a comment